Câu chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em lại ‘nóng’ khi hè về .
Đã 01 tuần từ khi bế giảng năm học. Tuy nhiên, phụ huynh ở các thành phố lớn đang lo lắng những tháng hè sẽ không biết gửi con cho ai, tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa gì khi các sân chơi cho trẻ đang thiếu trầm trọng.
Sân chơi của trẻ em không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi cho trẻ em chạy nhảy, chơi đùa mà sân chơi cho trẻ em bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ em thông qua vui chơi, giải trí. Đó là sân chơi ngoài trời, sân chơi trong nhà, thư viện, câu lạc bộ, rạp chiếu phim dành cho trẻ em…
Tuy nhiên, mỗi khi kỳ nghỉ hè đến gần, việc tìm không gian cho trẻ vui chơi an toàn là bài toán khó đối với mỗi gia đình ở Thành phố Huế.
Hè này con sẽ thế nào hả bố?
Đó là câu hỏi mà con trai của anh Kỷ Nguyễn (ở trường THCS Hùng Vương, Huế ) hỏi bố sau khi cô giáo gửi tin nhắn thông báo tới phụ huynh về thời gian bế giảng năm học vào tuần tới (25/5). Anh Kỷ tỏ ra lo lắng vì không biết năm nay 2 con của mình sẽ tham gia hoặc động gì khi chỉ còn ít ngày nữa các cháu sẽ bước vào kỳ nghỉ hè sau một năm học đầy biến động. “Khu nhà tôi ở không có sân bóng, không có bể bơi, không có khu vui chơi cho các cháu. Do vậy, năm nay chắc cũng giống như mọi năm tôi sẽ gửi con về ông bà ở quê một thời gian rồi lại đưa con xuống Cố đô để đi học thêm vào dịp hè. Nếu “nhốt” con ở nhà thì chắc
chắn các con sẽ vùi đầu vào máy tính, chơi game…”.
Lớp học 6/2 Trường THCS HÙNG VƯƠNG
Cũng như anh Kỷ, chị Thu hiền (Thủy Xuân ) đau đầu về việc quản lý con mỗi khi hè tới. Theo chị Hiền các sân chơi miễn phí cho thiếu nhi dịp hè trên địa bàn gần như không có. Ở khu dân cư có tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu nhưng các hoạt động vẫn chưa thật sự phong phú, còn mang tính chất dập khuôn máy móc dẫn đến nhàm chán. Hơn nữa, chị hiền không yên tâm cho con tham gia vì chủ yếu thời gian sinh hoạt lại tổ chức vào buổi tối, đi lại không an toàn.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong công tác quy hoạch, xây dựng thêm sân chơi công cộng là quỹ đất hạn chế. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa còn quá chậm.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ
Trong một xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em ngày càng cao, để mỗi dịp nghỉ hè trẻ có đầy đủ chỗ chơi an toàn và lành mạnh thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, chính quyền địa phương, nhà trường cũng như của người dân.
Anh Kỷ chia sẻ với phóng viên: “Sân chơi dành cho trẻ trong dịp hè rất quan trọng. Tôi nghĩ các điểm trường trong dịp hè cũng có thể tận dụng để tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích mà không tốn kém. Sân trường thì rợp bóng cây, lại vừa rộng rãi và an toàn”.
Lớp học môn bóng rỗ hiếm hoi con trai Anh Kỷ tham gia hoạt động
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, điểm vui chơi công cộng thiếu, không gian sinh hoạt cộng đồng không có, dân cư đông đúc, môi trường ngột ngạt dẫn tới thực trạng trẻ em có xu hướng thụ động hơn khi ngồi lì ở nhà xem tivi, chơi game trên mạng… Thậm chí có nhiều em còn nghiện chơi game online, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cục trưởng Cục Trẻ em gợi ý, cần tăng cường vai trò của Đoàn thanh niên các cấp phối hợp các nhà trường và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích. Hoạt động nào cần kinh phí thì kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phụ huynh. Hình thức tổ chức các sân chơi hè cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tuổi, đặc điểm từng vùng, từng địa phương để thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em. Có như vậy, các em mới có một mùa hè thật sự an toàn, bổ ích và phụ huynh cũng vơi bớt nỗi lo.
Kim Nguyễn .