Thủ tục khai nhận di sản đất đai thừa kế theo di chúc.

Đăng ngày:

Thừa kế hiện đang là một vấn đề đang được quan tâm rất nhiều trong gian gần đây. Bên cạnh việc xác định hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc thì việc khai nhận di sản thừa kế cũng là một vấn đề đáng để lưu tâm, đặc biệt là việc khai nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Song, quyền sử dụng đất được xem là một trong những di sản thừa kế hợp pháp do người chết để lại cho những người còn sống. Người hưởng thừa kế có thể được thừa kế hợp pháp quyền sử dụng đất này thông qua di chúc hoặc theo thừa kế pháp luật nếu người chết không để lại di chúc. Như vậy, muốn khai nhận di sản thừa kế từ người đã chết thì cần phải làm gì, thủ tục như thế nào?

Bên cạnh đó, khai nhận di sản thừa kế là một thủ tục phải thực hiện để xác lập quyền tài sản của một người theo di chúc hoặc theo hàng thừa kế (trong trường hợp không có di chúc, hoặc di chúc không rõ ràng) đối với phần di sản được hưởng. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế hiện nay được pháp luật quy định khá cụ thể, việc khai nhận được thực hiện sau thời điểm mở thừa kế (tức thời điểm người để lại di sản chết). Tuy nhiên, trong thực tế thì không phải ai cũng nắm được trình tự, thủ tục cũng như những loại giấy tờ cần chuẩn bị. Điều này khiến cho những người có nhu cầu khai nhận di sản tốn khá nhiều thời gian công sức để tìm hiểu, thực hiện.

Nhằm giúp các cá nhân, tổ chức hiểu rõ về trình tự thủ tục khai nhận di sản đất đai thừa kế theo di chúc thì công ty Luật Kỷ Nguyễn và Cộng sự chúng tôi sẽ giải đáp những vướng mắc của các bạn dưới bài viết sau đây.

    Trước khi làm thủ tục khai nhận di sản đất đai thừa kế theo di chúc cần phải đáp ứng đủ những điều kiện và hồ sơ chuẩn bị để khai nhận di sản.

  1. Điều kiện để di chúc có hiệu lực:

Để di chúc được coi là hợp pháp có giá trị pháp lý khi đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 về những điều kiện chung, cụ thể như sau:

– Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

– Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật;

– Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc;

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực;

–  Di chúc phải có nội dung: ngày, tháng lập di chúc, lời cam đoan về sự tự chủ của người lập di chúc, thông tin tài sản, người được hưởng di sản, điều kiện hưởng di sản nếu có;

– Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630;

– Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng;

– Người lập di chúc phải kí vào từng trang văn bản di chúc. Nếu có tẩy, xoá thì người lập di chúc phải ký tên điểm chỉ vào chỗ tẩy xoá.

Trường hợp người để lại di chúc có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (là: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động) thì chủ thể tiến hành khai nhận di sản thừa kế ngoài những người được chỉ định trong di chúc còn có những người này, hoặc người đại diện theo pháp luật của họ (đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự). Cụ thể là các đối tượng này được coi là người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Mức hưởng là 2/3 kỷ phần thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản. Sau khi định đoạt di sản cho các đối tượng này thì phần di sản còn lại mới được chia cho người được hưởng di sản theo di chúc.

Như vậy, để người thừa kế được nhận di sản từ người để lại di sản khi lập di chúc thì di chúc phải thỏa mãn những điều kiện trên để di chúc hợp pháp, có giá trị pháp lý.

  1. Về hình thức di chúc:

Trong Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định rõ về hình thức của di chúc tại Điều 627: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng”.

Ngoài ra, Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc bằng văn bản bao gồm:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực.

Và theo đó, tại Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng và sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

                                                     Hồ sơ khai nhận thừa kế đất đai phải được công chứng

  1. Về nội dung di chúc:

Bên cạnh việc đáp ứng về hình thức, di chúc còn phải đầy đủ các điều kiện về nội dung được quy định chi tiết tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015:

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;

– Những nội dung cụ thể về người lập di chúc; người nhận di sản; di sản để lại; nơi có di sản;

– Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

  1. Hồ sơ chuẩn bị để khai nhận di sản:

Nếu như bạn đang có 1 bản di chúc hoặc 1 tài sản được thừa kế mà không biết trình tự thủ tục khai nhận di sản thừa kế như thế nào, hồ sơ khai nhận di sản thừa kế ra sao? Thì sau đây là một số vấn đề về khai nhận di sản thừa kế cần lưu ý như sau:

+ Đối với chủ thể tiến hành: Tất cả những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người để lại di sản;

+ Đối với cơ quan tiến hành: Bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.

     4.1. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế gồm:

– Di chúc của người đã chết lập;

– Phiếu yêu cầu công chứng;

– Văn bản khai nhận di sản thừa kế;

– Giấy tờ chứng minh người để lại di sản đã chết (giấy chứng tử, giấy báo tử, bản án tuyên bố một người đã chết,…);

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

– Giấy tờ tùy thân của người thừa kế (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,…);

– Những giấy tờ khác như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh,…

 

 

 

Mẫu hồ sơ khai nhận di sản

* Lưu ý: việc khai nhận di sản thừa kế phải có mặt của đầy đủ các người thừa kế, trường hợp không có mặt đầy đủ thì không thể thực hiện thủ tục này. Khi đó, các bên có liên  quan có thể yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện tiến hành chia thừa kế cho các bên. Thời hạn để khởi kiện chia thừa kế Điều 623 BLDS 2015 là 10 năm đối với động sản và 30 năm với bất động sản kể từ ngày mở thừa kế.

     4.2. Hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Các giấy tờ về thừa kế (Di chúc, văn bản khai nhận di sản thừa kế có công chứng);

– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất của người để lại di sản;

– Giấy chứng tử;

– Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất;

– Giấy tờ khác (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên…).

 

Để có thể giúp các bạn có thể nắm bắt được thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc, Văn phòng luật sư chúng tôi sẽ tóm tắt quy trình thực hiện thủ tục nói trên như sau:

  1. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế:

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57 Luật Công chứng 2014.

Thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai) – Cơ quan tiến hành: Văn phòng đăng ký đất đai.

Căn cứ tại Mục 2 Chương V theo quy định của Luật Công chứng 2014, để tiến hành nhận di sản đất đai thừa kế theo di chúc, người thừa kế cần tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Việc khai nhận di sản thừa kế có thể công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức công chứng tại nơi có bất động sản.

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người khai nhận di sản tiến hành nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan thực hiện công chứng tại nơi có bất động sản.

Số lượng hồ sơ: 1 bộ.

 * Lưu ý: Với những giấy tờ yêu cầu bản sao thì bắt buộc trước khi nhận Văn bản khai nhận di sản đã được công chứng phải mang theo bản chính để đối chiếu.

Bước 2: Xử lý hồ sơ

– Cơ quan công chứng tiếp nhận hồ sơ và xử lý và thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày. Công chứng viên ra thông báo để niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản.

– Thông báo mở thủ tục khai nhận di sản sẽ bao gồm một số nội dung chính như: thông tin họ tên người để lại di sản, người khai nhận di sản; danh mục di sản được thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận;…

+ Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

+ Trong trường hợp di sản thừa kế là bất động sản ở nhiều địa phương thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đó.

– Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Cuối bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót di sản thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết.

Niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế

Bước 3: Trả kết quả

– Sau 15 ngày niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan công chứng thực hiện thủ tục chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế;

– Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ đã nêu ở trên để đối chiếu trước khi ký xác nhận vào Lời chứng và từng trang của Văn bản khai nhận này;

– Sau khi ký xong sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng, các chi phí khác và trả lại bản chính Văn bản khai nhận cho người thừa kế.

Bước 4: Thực hiện thủ tục đăng ký đất đai

Tiến hành nạp hồ sơ thực hiện việc đăng kí sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường.

Bước 5: Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ và xử lý

Chuyên viên văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ và xử lý hồ sơ.

Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, chuyên viên sẽ hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung đầy đủ.

Trường hợp hồ sơ đã hợp lệ, chuyên viên sẽ lập biên nhận và hẹn ngày trả kết quả.

Bước 6: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau quá trình kiểm tra, xác minh hiện trạng, nguồn gốc, quá trình sử dụng và xác định được việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng với quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nộp hồ sơ.

* Phí, lệ phí công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế: Mức phí công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế được quy định rõ tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC. Theo đó, nguyên tắc tính phí Văn bản khai nhận di sản là dựa trên gái trị của di sản.

Sau khi tiến hành khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức công chứng, những người thừa kế sẽ tiến hành thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất. Hồ sơ bao gồm: Bản chính văn bản khai nhận thừa kế có công chứng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân của người hưởng di sản, giấy chứng tử, di chúc …).

 * Lưu ý: Hồ sơ giấy tờ cần chuẩn bị đầy đủ. Yêu cầu bắt buộc cho mỗi hồ sơ thừa kế phải có đầy đủ giấy khai sinh của con để chứng minh mối quan hệ huyết thống. Hồ sơ

ngày tháng năm sinh, tên họ phải trùng khớp với các loại giấy tờ khác. Trường hợp ngày tháng năm sinh khác với chứng minh nhân dân/ Thẻ căn cước, khác sổ hộ khẩu, khác giấy khai sinh cần phải đi đính chính lại tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về nguyên tắc giấy tờ khai sinh sẽ là giấy tờ gốc làm căn cứ để làm lại các giấy tờ khác.

Thời gian thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế lâu hơn so với quy định của pháp luật do có nhiều yếu tố pháp lý hành chính phát sinh. Quý khách hàng có thể liên hệ với công ty Luật chúng tôi để được tư vấn trước. Tránh việc khi thực hiện thủ tục phát sinh thủ tục gây khó khăn trong quá trình làm thủ tục.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật chúng tôi về vấn đề thủ tục khai nhận di sản đất đai thừa kế theo di chúc. Công ty Luật Kỷ Nguyễn và Cộng sự rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề về pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

Chúc các bạn thành công.

Trân trọng./.

LIÊN HỆ CTY LUẬT KỶ NGUYỄN VÀ CỘNG SỰ

32 LÊ NGÔ CÁT PHƯỜNG THỦY XUÂN TP HUẾ

ĐT 0888 584 575 – 0903 531 333