QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Tố giác tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Vậy, người tố giác tội phạm có được pháp luật bảo vệ hay không? Quy định của pháp luật như thế nào về việc bảo vệ người tố giác tội phạm? Bài viết sau đây của Công ty Luật Kỷ Nguyễn & Cộng sự sẽ giải đáp một số vấn đề xoay quanh quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm.
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS).
- Thẩm quyền quyết định biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm
Hiện nay, thẩm quyền quyết định biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm được quy định tại Điều 485 BLTTHS, cụ thể như sau:
“Điều 485. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ
- Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ gồm:
- a) Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;
- b) Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.
- Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ gồm:
- a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- b) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát quân sự trung ương.
- Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ thì đề nghị Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ. Đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có văn bản đề nghị với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ”.
Như vậy, đối với cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm thì BLTTHS quy định rõ chỉ có 02 cơ quan đó là cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Đối với người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân hoặc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, sẽ là người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Trong trường hợp, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm thì đề nghị Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm đó. Đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Trong trường hợp, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm trong vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có văn bản đề nghị với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm đó.
- Các biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm
Hiện nay các biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm được BLTTHS quy định chung tại Điều 486, cụ thể như sau:
“Điều 486. Các biện pháp bảo vệ
- Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ họ:
- a) Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;
- b) Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;
- c) Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;
- d) Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;
đ) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;
e) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
Việc áp dụng, thay đổi các biện pháp bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ”.
Như vậy: Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố giác tội phạm bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ họ: Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ; Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người tố giác tội phạm để bảo đảm an toàn cho họ; Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người tố giác tội phạm; Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người tố giác tội phạm, nếu được họ đồng ý; Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người tố giác tội phạm; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật; Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc áp dụng, thay đổi các biện pháp bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố giác tội phạm.
- Chấm dứt việc bảo vệ đối với người tố giác tội phạm
Theo quy định tại Điều 489 quy định về việc chấm dứt việc bảo vệ đối với người được bảo vệ nói chung thì việc chấm dứt việc bảo vệ đối với người tố giác tội phạm như sau:
Một là, khi xét thấy căn cứ xâm hại hoặc đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố giác tội phạm không còn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ.
Hai là, Quyết định chấm dứt áp dụng các biện pháp bảo vệ phải được gửi cho người tố giác tội phạm, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc bảo vệ.
Trên đây là toàn bộ những quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về người tố giác tội phạm.
Lê Bá Trường
CÔNG TY LUẬT KỶ NGUYỄN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 66 Lê Viết Lượng, phường Xuân Phú, quận Thuận Hóa, thành phố Huế – hotline 0888584575
” Tháo gỡ mọi nút thắt pháp lý của bạn”